Đẳng cấp đại gia 9x

Những buổi nhậu tiền triệu, những món đồ "xa xỉ" tặng người yêu, cách ăn chơi theo kiểu các "đại gia" 9X khiến nhiều người phải choáng. Hơn thế, đó đều là các "nam thanh, nữ tú" mới lần đầu ra thành phố. Chưa bỏ được cái chữ vào đầu, họ đã bị tiêm nhiễm bởi những thú vui theo kiểu "đại gia". Chỉ chưa đầy một năm khi mang trên mình mác sinh viên, nhiều bạn trẻ đã phải trả giá đắt...



Thương thay những tấm thân gầy

Vào đại học không chỉ là ước mơ cháy bỏng của những sĩ tử ngày đêm miệt mài đèn sách mà còn là của tất cả các bậc phụ huynh đã mười mấy năm nuôi con ăn học. Thế nhưng ngay khi bắt đầu yên vị trên ghế của một trường đại học nào đó, một số tân sinh viên nhanh chóng chạy theo một lối sống mới, nhất là những chàng trai tỉnh lẻ sống xa gia đình trong môi trường thành phố phồn hoa đô thị. Họ nhanh chóng bắt nhịp với các bạn sinh viên thành phố, ăn chơi phung phí mặc dù đằng sau những đồng tiền ấy là cả mồ hôi công sức của cha mẹ gửi vào...

Bản thân là người trẻ tuổi, rất gần gũi với môi trường sinh viên, tôi đã có dịp chứng kiến những cách tiêu tiền rất "thoáng đãng" của các tân sinh viên tỉnh lẻ. Nếu như gia đình khá giả, có điều kiện thì tôi không mấy quan tâm, bởi việc tiêu tiền thế nào đó là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mặc dù gia đình rất nghèo, bố mẹ chắt chiu từng tí một để có tiền nuôi con ăn học, nhưng các bạn ấy vẫn tiêu xài một cách... vô tội vạ!

Có cô bạn gái người thành phố, nhiều "trai quê" trở thành con nợ...

Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên năm thứ nhất khoa Hình sự là một ví dụ. Trước đây, khi còn học phổ thông ở quê nhà (Yên Thành, Nghệ An), Tuấn là một anh chàng chăm chỉ, siêng năng, không biết "ga-lăng” là gì. Nhưng sau một học kỳ rời quê lên thành phố học trường Đại học Luật TP.HCM, Tuấn đã thay đổi để trở thành "người thành phố"!

Mỗi tháng hai triệu cha mẹ gửi vào không đủ cho Tuấn tiêu xài. Ngoài các khoản tiền phòng, điện, nước, sinh hoạt ăn uống, Tuấn còn có thêm một cô bạn gái là người thành phố. Từ khi tìm được tình yêu sinh viên này, Tuấn trở thành con nợ của nhiều bạn sinh viên khác. Tuấn "lo" cho người yêu đủ thứ. Những lần hẹn hò, sinh nhật hay những bữa tiệc bạn bè, Tuấn đều thích tổ chức ở nơi sang trọng. Để chiều theo ý của "người yêu", Tuấn mua cho nàng những gì mà nàng thích. Căn phòng người yêu ở, Tuấn thuê với giá 1 triệu/tháng, trong đó có đầy đủ các tiện nghi. Nào là máy tính, tivi, bàn là và các đồ dùng phụ nữ rất có giá trị.



Ở quê nhà, nhiều người biết rõ bố mẹ Tuấn đều là những người nông dân quanh năm lo việc đồng áng. Từ khi Tuấn nhập học, bố Tuấn phải rời quê vào Sài Gòn làm phụ hồ, khoan giếng, còn mẹ Tuấn ở nhà nuôi con gà, con heo, trồng từng luống rau phụ bán ngoài chợ để tích góp tiền cho đứa con "cưng" của mình. Vậy mà có những lúc "bí tiền", Tuấn bắt xe bus đến chỗ bố mình làm việc để nài nỉ, van xin bố cho tiền với lý do học thêm, mua sách vở... Vì thương con, bố Tuấn phải ứng tiền trước để đưa cho Tuấn. Đã nhiều người nhắc nhở Tuấn hãy biết tiết kiệm, sống giản dị như những sinh viên khác, nhưng Tuấn vẫn không nhẹ tay trong việc chi tiêu chút nào. Giờ một năm học đã trôi qua, Tuấn thi lại những 3 môn và chẳng ai biết đến hình ảnh một học sinh giỏi cấp ba ngày nào.



Nguyễn Thế An, chàng trai đất Quảng học khoa Hành chính (Trường ĐH Luật) cũng không kém gì Tuấn. Bố mẹ còng lưng đi làm thuê cho người ta nhưng vẫn cố gắng một tháng chu cấp 2 triệu cho An ăn học. Tuy nhiên, thay vì hiểu cho những vất vả của bố mẹ, An lại biến mình thành "nô lệ" tình yêu. Quen và chơi thân với một cô bạn hơn mình 2 tuổi, và để thể hiện bản lĩnh của mình, An chu cấp cho nàng mọi thứ. An dốc cả "tâm huyết" vào người yêu với lý do, để cho người ta thấy, mình ít tuổi nhưng vẫn đủ bản lĩnh và tư cách để yêu một người hơn tuổi (!?).

An đã "quyết tâm" theo đuổi một mục tiêu mà theo anh là để thể hiện bản lĩnh của một "thằng đàn ông" đích thực. Không biết câu chuyện tình của An sẽ kéo dài được đến bao lâu, tuy nhiên vì lo cho con ăn học, bố mẹ An đã phải cắm sổ đỏ, vay nặng lãi để chu cấp đủ tiền hàng tháng cho An.

Tiêu tiền kiểu 9X

Hợi là con trai một đại gia có máu mặt ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), vào Sài Gòn học đại học, Hợi đã mau chóng thể hiện "chất chơi" của mình. Sinh nhật lần thứ 18, anh thuê hẳn một phòng ăn ở khách sạn 5 sao rồi gọi bạn bè đến vui vẻ "tới bến". Đêm ấy, cả nhóm say bất tỉnh ở một quán Karaoke trên đường Phan Đăng Lưu. Sáng dậy Hợi mới tá hoả khi cầm trên tay tờ hoá đơn thanh toán lên đến gần 5 triệu đồng, trong đó tiền đền bù do phá hỏng các vật dụng trong phòng hát là gần... 2 triệu. Tổng chi phí cho hôm tổ chức sinh nhật ngót nghét chục triệu. Không đủ tiền thanh toán, Hợi đành phải gọi cho một người bạn của bố ở Sài Gòn đến "cứu". Hỏi về những buổi ăn chơi tiền triệu như vậy, Hợi vô tư trả lời: Phải để cho bọn thành phố biết, dân tỉnh lẻ cũng thừa "cơ" chơi với chúng nó, tiền của bố mẹ cả, có gì đâu mà phải tiếc (!?).


Không phải con nhà đại gia, nhưng nhiều teen muốn thể hiện đẳng cấp bằng cách đốt tiền...
- ảnh minh hoạ

Khác với Hợi, Lâm không phải là con đại gia, tuy nhiên mức độ chơi bời thì cũng chẳng kém ai. Mới vào trường ĐH Kinh tế được mấy tháng, Lâm đã kết thân với một cô bạn cùng lớp người Cà Mau. Nhanh hơn dự kiến, Lâm và cô bạn của mình đã khiến cho bạn bè cùng trường ai nấy đều phải trố mắt bởi cách sống theo kiểu "hiện đại" của mình. Không chỉ quấn quýt nhau như hình với bóng, 2 người còn quyết định ở chung một chỗ cho cái gọi là... tiết kiệm.



Tháng 2 vừa rồi, Lâm có ông anh trai đi xuất khẩu lao động ở Đức gửi về cho 17 triệu, mục đích là để cậu em đầu tư vào học hành. Tuy nhiên, để ra oai với người yêu, Lâm đề xuất ý kiến về "quê ngoại" chơi. Hai đứa bỏ học về Cà Mau "lênh đênh sông nước", với kiểu chi mạnh tay để lấy lòng bố mẹ vợ tương lai, Lâm mua đủ thứ đắt tiền đề tặng làm quà biếu "bố, mẹ", rồi rủ ông anh trai của người yêu đi nhậu nhẹt khắp nơi. Đến ngày thứ 5, kiếm tra ví thấy chỉ còn 1 triệu 6 trăm ngàn, Lâm hốt hoảng thúc ép người yêu ngược trở về Sài Gòn...



Trong lúc những bạn cùng trang lứa, người dạy thêm, người đi phát tờ rơi, người phục vụ bàn để có tiền trang trải cho cuộc sống và đỡ phần cho cha mẹ, thì vẫn còn vô số những sinh viên "đại gia bề ngoài" như Tuấn, An, Hợi, Lâm... và rất nhiều những chàng trai khác, chỉ biết lấy vui chơi là chủ đề duy nhất cho những "đam mê" của mình.



Cuộc đời sinh viên đẹp thật, nhưng 4 năm có là bao. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy sắp phải ra trường... Mỗi lần chào đón tân sinh viên là mỗi lần thấy mình "già" đi. Vậy mà, thử hỏi có mấy sinh viên hiện nay biết đặt mục tiêu cho mình và trả lời được câu hỏi sau này khi ra trường "mình sẽ là ai"? Cuộc sống tự lập cần ở nghị lực và cố gắng của mỗi người, qua đó tự rèn luyện mình. Chứ đâu phải tự lập là tự do làm những gì mình thích? Mong rằng, các bạn đang là sinh viên và sẽ là sinh viên, hãy cẩn thận với lối sống của mình, bởi hôm nay là tiền đề của ngày mai. Hãy sống tiết kiệm và có mục tiêu cho sự nghiệp của mình.
Quay lại

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
footer